Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
Trang chủviblogCÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ PHÚ THỌ NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

CÔNG TY CỔ PHẦN CHÈ PHÚ THỌ NỖ LỰC VƯỢT KHÓ

Vốn là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc ngành nông nghiệp, được thành lập từ năm 1993 trên cơ sở sát nhập các nông trường chè: Yên Sơn, Ngọc Đồng, Hưng Long, Vạn Thắng và Nhà máy chè Cẩm Khê, công ty chè Phú Thọ có địa bàn hoạt động khá rộng, trải dài trên 3 huyện miền núi: Thanh Sơn, Yên Lập, Cẩm Khê. Năm 2005 thực hiện chủ trương sắp xếp đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, công ty được giao cho tập thể người lao động quản lý và chuyển đổi hoạt động sang hình thức công ty cổ phần với tên gọi chính thức từ đó đến nay là Công ty cổ phần chè Phú Thọ.

Ươm bầu chè giống bằng phương pháp giâm hom giúp các đơn vị thành viên chủ động trong việc trồng mới thay thế chè giống cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao.
Ươm bầu chè giống bằng phương pháp giâm hom giúp các đơn vị thành viên chủ động trong việc trồng mới thay thế chè giống cũ bằng các giống mới có năng suất, chất lượng cao.

Sau chuyển đổi, công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiếu vốn đầu tư chiều sâu, dây chuyền sản xuất lạc hậu, nhiều diện tích chè kém hiệu quả, năng suất thấp, người lao động thu nhập bấp bênh theo thời vụ… Có thời điểm tưởng chừng đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, với sự đoàn kết quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công nhân lao động, công ty đã không ngừng tìm tòi hướng đi riêng, từng bước tháo gỡ khó khăn đảm bảo ổn định việc làm, đời sống cho người lao động, huy động nhiều nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè Phú Thọ, đưa sản phẩm chè xanh, chè đen vươn xa ra thị trường ngoài nước: Đài Loan, Ấn Độ, các nước Trung Đông, EU… Trầm ngâm bên ấm chè nóng hổi vừa pha, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc công ty – ông Nguyễn Duy Hùng chậm rãi bộc bạch về chặng đường 10 năm từ khi chuyển đổi doanh nghiệp đến nay: “Mặc dù ngày 30-11-2005 UBND tỉnh có quyết định số 3085/QĐ-UBND về việc giao doanh nghiệp Nhà nước: Công ty chè Phú Thọ cho tập thể người lao động quản lý để chuyển thành công ty cổ phần, nhưng phải đến năm 2007 chúng tôi mới thực hiện xong các bước chuyển đổi, bởi vì lúc đó công ty đang rất khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, âm vốn hoạt động (tại thời điểm bàn giao doanh nghiệp Nhà nước cho tập thể người lao động quản lý nguồn vốn chủ sở hữu âm hơn 6 tỷ đồng, công nợ phải trả lên tới 25 tỷ đồng), sản xuất cầm chừng, cuộc sống của cán bộ công nhân lao động trong công ty khá vất vả, cây chè không có vốn đầu tư nên sản lượng thấp, chất lượng sản phẩm không cao, đơn xuất hàng nhỏ giọt. Thực tế này đã khiến đội ngũ lãnh đạo từ Đảng ủy, HĐQT, Ban giám đốc công ty đã phải trăn trở họp bàn rất nhiều biện pháp tháo gỡ nhằm vực doanh nghiệp đi lên…”. Được biết ngay khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, Công ty CP chè Phú Thọ đã tiến hành tái cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp lại sản xuất, huy động vốn đầu tư để trồng lại chè, tăng cường tìm kiếm đối tác để nâng cấp, đổi mới dây chuyền thiết bị công nghệ mới trong sản xuất chế biến chè, bộ máy tổ chức cũng được củng cố lại theo hướng tinh giản lao động gián tiếp, tăng lao động trực tiếp, đẩy mạnh khoán quản vườn chè tới công nhân lao động. Đồng thời tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh rà soát lại các diện tích đất nông lâm trường sử dụng chưa hiệu quả, đất cấp chồng lấn, đất chưa sử dụng đến để bàn giao cho các địa phương quản lý.

Từ năm 2010-2011 công ty CP chè Phú Thọ đã cơ cấu, sắp xếp hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, tiến hành thành lập các công ty TNHH 2 thành viên trực thuộc gồm: Công ty TNHH chè Ngọc Đồng, chè Cẩm Khê, chè Yên Sơn, nhằm tăng tính chủ động trong công tác quản lý điều hành sản xuất ở từng đơn vị. Bước đầu, các đơn vị đã chủ động liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong nước như: Công ty chè Thăng Long – Hà Nội, công ty chè Tân Phú – Yên Bái… đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, lắp đặt dây chuyền công nghệ mới như dây chuyền sản xuất chè đen CTC ở Nhà máy chè Cẩm Khê công suất 30-35 tấn chè tươi/ngày, dây chuyền sản xuất chè đen OTD và chè xanh ở Nhà máy chè Ngọc Đồng công suất 40 tấn chè tươi/ngày, ngoài ra công ty còn tiến hành thay thế hệ thống lò sấy chè cũ, lạc hậu bằng công nghệ sấy hiện đại giảm chi phí nhiên liệu; bổ sung lắp đặt dây chuyền sản xuất phân vi sinh công suất 2.000 tấn/năm, dây chuyền nghiền cẫng chè công suất 500 tấn/năm… với tổng giá trị đầu tư 28,5 tỷ đồng. Trong sản xuất, toàn công ty thống nhất xây dựng và duy trì hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001: 2000, HACCP về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tiến hành trồng thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao: LDP1, LDP2, đưa năng suất chè búp tươi bình quân đạt 15-17tấn/ha… Hiện nay với 760 ha chè kinh doanh, mỗi năm công ty sản xuất và cung cấp cho thị trường 1.000 – 1.200 tấn chè các loại, tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 3-3,5 triệu đồng /người/ tháng. Tổng doanh thu năm 2014 đạt gần 30 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với người lao động. Năm 2015 công ty phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng từ 10-15%/năm, nâng tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất chế biến chè đạt từ 32-35 tỷ đồng, không ngừng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, bảo toàn phát triển nguồn vốn hoạt động, công ty CP chè Phú Thọ còn chú trọng củng cố xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, tích cực tham gia ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện, cùng cộng đồng xã hội chia sẻ khó khăn với những hoàn cảnh kém may mắn.

Kim Ngân

Nguồn: http://www.baophutho.vn/

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết phổ biến