Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
Trang chủviblogTUYÊN QUANG: PHÁT TRIỂN VÙNG CHÈ ĐẶC SẢN HỒNG THÁI (NA HANG)

TUYÊN QUANG: PHÁT TRIỂN VÙNG CHÈ ĐẶC SẢN HỒNG THÁI (NA HANG)

Ngày 20/6, ông Lý Văn Binh, Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Tuyên Quang đã cùng với lãnh đạo UBND, các ngành chức năng của tỉnh và lãnh đạo huyện Ủy –UBND huyện Na Hang làm việc tại xã Hồng Thái về phát triển cây chè đặc sản vùng cao, trở thành cây trồng mũi nhọn mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Đoàn công tác tỉnh Tuyên Quang chỉ rõ: Để phát triển cây chè thành sản phẩm đặc sản theo hướng bền vững cần có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, trong đó Công ty cổ phần Chè Sông Lô đóng vai trò quyết định.

Để làm được điều này thì chính quyền địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp đầu tư phát triển như quy hoạch vùng chè, tạo quỹ đất để xây dựng vùng sản xuất, trồng chè tập trung, xây dựng nhà máy, cơ sở hạ tầng phục vụ cho chế biến xuất khẩu chè. Hồng Thái có hàng nghìn cây chè shan đặc sản, có những cây chè cổ thụ tán xum xuê, đến mùa thu hoạch phụ nữ người Mông, người Dao phải mất cả buổi mới hái hết một cây chè.

Mấy năm gần đây, cây chè đã thực sự góp phần mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân. Nhiều gia đình nhà mỗi vụ thu hoạch được vài tạ chè tươi. Mấy năm trước, chè thu hái xong người dân phải đi bộ mấy chục cây số đến xã Sinh Long mới bán được với giá chỉ 10.000 đồng/kg. Nhưng giờ đây đã có cán bộ của Công ty cổ phần Chè Sông Lô thu mua kịp thời với giá 15.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, diện tích chè này vẫn còn manh mún, chưa được giao cụ thể cho từng hộ nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì vậy bà con trong thôn mong muốn chính quyền địa phương giao diện tích chè này cho từng tổ nhóm quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Như thế sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế từ diện tích chè này.

Xã Hồng Thái được coi như Đà Lạt của tỉnh Lâm Đồng hay Sa Pa của tỉnh Lào Cai bởi cảnh sắc thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ. Xã nằm ở độ cao trung bình trên 1.000 m so với mực nước biển, địa hình núi cao có độ dốc lớn, phân làm hai loại: Đồi núi đất và đồi núi đá vôi. Nhiệt độ trung bình năm 18,4oC, độ ẩm không khí 80 – 85%, lượng mưa trung bình 1.800 – 2.200 mm. Mảnh đất được ôm ấp bởi núi non trùng điệp như một vòng xòe vĩnh cửu, dồn tụ tất cả phì nhiêu của rừng núi là những điều kiện lý tưởng cho cây chè phát triển, nhất là các giống chè có giá trị kinh tế cao như chè Shan tuyết, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Chè Sông Lô cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp để người dân thấy được hiệu quả từ cây chè và yên tâm gắn bó với cây chè. Công ty cần đầu tư đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ nông dân chuyển đổi nghề, khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, thúc đẩy các hoạt động về xúc tiến thương mại và hội nhập.

Cùng với phát triển cây chè, xã Hồng Thái cần chú trọng phát triển các cây ăn quả đặc sản khác như lê, mận, phong lan, su su, cải cay… gắn phát triển du lịch sinh thái với khu du lịch Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn để Hồng Thái trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong tương lai. Vào mùa chè, nhà nào ở Hồng Thái cũng ngào ngạt hương chè tỏa ra từ các bếp lò sao sấy chế biến chè.

Chè Hồng Thái rất được nước, đậm hương. Việc đầu tư dự án vào phát triển cây chè đặc sản sẽ là cơ hội để hương chè Hồng Thái bay xa hơn trên khắp miền đất nước. Vì vậy, khi dự án phát triển cây chè đưa về xã thực sự là tín hiệu mừng, mang theo hy vọng thoát nghèo của bà con nơi đây.

Toàn xã Hồng Thái hiện có 7 thôn, 271 hộ với 1.461 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mông và Dao sinh sống. Trước đây, kinh tế của bà con chủ yếu là làm nông nghiệp với cây ngô, cây lúa là 2 cây trồng chính, cây chè cũng đã được trồng nhưng kỹ thuật chăm sóc và canh tác còn hạn chế. Vì vậy, khi Công ty cổ phần Chè Sông Lô phát triển dự án chè, bà con đều nhiệt tình hưởng ứng.

Để người dân yên tâm gắn bó với cây chè, Công ty cổ phần Chè Sông Lô đã hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc chè. Theo định hướng phát triển ngành chè, công ty dự kiến đến năm 2020, diện tích trồng mới của công ty là 30 ha, diện tích liên doanh liên kết với nông dân là 70 ha. Sản lượng chè búp tươi thu hoạch đạt từ 10 đến 13 tấn/ha/năm, doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng/ha, gấp 6 đến 7 lần doanh thu từ việc trồng ngô một vụ của người dân tại địa phương. Sản phẩm chè búp tươi được công ty thu mua với giá tối thiểu 15.000 – 20.000 đồng/kg, bằng 3,5 – 4 lần giá 1 kg lúa hiện tại ở địa phương.

Công ty cũng sẽ tích cực ứng dụng công nghệ tiến bộ khoa học vào sản xuất, tạo ra môi trường sinh thái, chống xói mòn, bạc màu đất. Đến nay, công ty đã trồng được 5 ha, xây dựng được hệ thống nhà xưởng chế biến chè tại đia phương./.

Tác giả bài viết: Phúc Thái Sơn

Nguồn: http://vanhien.vn/

RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết phổ biến