Tuy là loại cây trồng nuôi sống hàng vạn nông dân nhưng phần lớn các vùng chè vẫn chưa được cơ giới hóa. Bà con nông dân khi thu hái chè vẫn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, không tuân thủ quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, nhiều vùng trồng chè truyền thống bà con vẫn hái chè bằng liềm và sử dụng máy hái chè chưa đúng kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây.
Hiện nay, các loại máy móc phục vụ cho việc cơ giới hóa sản xuất chè đã khá đồng bộ từ máy làm cỏ, hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm, máy phun thuốc trừ sâu, máy đốn và máy hái chè. Trong 3 năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã xây dựng mô hình tổ hợp tác và áp dụng cơ giới hóa tổng hợp trong sản xuất chè; hỗ trợ 36 đầu máy gồm máy hái chè, máy phun thuốc và máy đốn chè cho 12 hộ nông dân tại các xã Việt Cường, Hưng Thịnh, Hồng Ca (Trấn Yên).
Áp dụng máy cơ khí nhỏ vào sản xuất thâm canh chè bước đầu đã đem lại hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng nguyên liệu chè. Đảm bảo yêu cầu chất lượng nguyên liệu chè đồng đều và ổn định, kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu khi đưa vào sản xuất, Đặc biệt khắc phục tình trạng thiếu lao động trong các khâu canh tác sản xuất chè. Trước đây, công hái chè chiếm đến 50% số ngày công lao động trong canh tác chè. Theo tính toán của một hộ trồng chè, với 5 héc-ta chè, trước đây, mỗi năm phải chi tới 14 triệu đồng thuê nhân công hái, lợi nhuận sau khi trừ chi phí còn lại 20 triệu đồng. Nay một ngày thu hoạch chè bằng máy có thể đạt 500 – 600 kg, tương đương 15 nhân công lao động thủ công. Hái bằng máy, năng suất chè tăng lên từ 60kg/sào lên 100kg/sào, chi phí hái chè giảm xuống còn 6 triệu đồng, lợi nhuận tăng lên 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, số tiền đầu tư ban đầu khá lớn, một chiếc máy hái chè có giá khoảng 16 triệu đồng, máy đốn chè khoảng 16 triệu đồng và máy phun thuốc trừ sâu khoảng 8 triệu đồng nên thích hợp với những hộ có khả năng đầu tư ban đầu hoặc có diện tích lớn. Ngoài ra, cơ giới hóa sản xuất chè chỉ áp dụng ở những địa phương có những vùng chè được quy hoạch rõ ràng, chè được trồng ngay hàng thẳng lối.
Lưu ý khi sử dụng máy hái chè
Máy hái chè giúp nông dân thu hái chè búp đồng loạt trong thời gian ngắn. Mỗi máy hái chè có thể thay thế hàng chục công lao động. Tuy nhiên, máy hái chè hiện nay còn tồn tại một số bất cập bởi kỹ thuật trồng chè để thu hái thủ công trước đây. Do vậy, bà con cần lưu ý các vấn đề phát sinh khi đưa máy vào sử dụng.
Thứ nhất, khi máy ngừng hái chè phải đóng bao bảo vệ lưỡi dao vì lưỡi dao cắt rất sắc, dễ xảy ra tai nạn. Trong khi hái chè, khi gặp cành cây hoặc chướng ngại vật phải giảm ga, ngừng máy, xử lý xong mới tiếp tục thao tác. Đường đi giữa các luống chè phải bằng phẳng, không có hầm hố, các gốc cây gây mất an toàn lao động. Cây trồng tạo bóng cho chè trước đây cũng là một cản trở trong quá trình vận hành máy nên phải chặt tỉa hợp lý để sử dụng tối đa công suất của máy.
Thứ hai, khi sử dụng máy trong đốn chè, bà con cần khởi động máy đóng le gió (về hướng ghi close). Khi khởi động, để máy ở chỗ thăng bằng một tay giữ máy một tay giật nhẹ khởi động máy, khi máy nổ mở le gió và điều chỉnh để máy nổ giòn nhiên liệu ít tiêu tốn, đảm bảo độ bền máy và bugi. Với máy đốn đơn một người đốn, đeo máy trên vai, hai tay cầm chắc máy, một tay điều khiển máy đốn bằng tay ga tùy thuộc vào mức độ to, nhỏ cành chè đốn. Sau đó dùng thao tác lia lưỡi đốn trên mặt tán từ phải sang trái, lưỡi đốn cắt đứt cành chè, đồng thời cánh gạt gạt cành chè bị cắt rời xuống rạch chè. Máy cũng dùng để sửa mặt tán phục vụ quá trình hái chè trong năm. Đối với máy đốn đôi do 2 người thực hiện, mỗi người cầm một đầu của máy, một trong hai người điều khiển tay ga máy cho phù hợp tùy theo cành chè to hay nhỏ. Hai người cùng đưa máy đi song song dọc theo hàng chè và phải phối hợp với nhau nhịp nhàng mới đảm bảo an toàn và chất lượng đốn. Máy áp dụng cho diện tích lớn, đất có độ dốc nhỏ.
nguồn “Báo Công Thương Điện Tử”
Kim Xuyến