Thứ tư, Tháng chín 18, 2024
Trang chủviblogLÀO CAI CÓ 1.000HA CHÈ ĐẦU TIÊN ĐẠT CHUẨN VIETGAP

LÀO CAI CÓ 1.000HA CHÈ ĐẦU TIÊN ĐẠT CHUẨN VIETGAP

Lào Cai có 1.000 ha chè đầu tiên tại các xã Lùng Vai, Bản Lầu, Bản Xen và Thanh Bình của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chè Thanh Bình, huyện Mường Khương, đạt chuẩn VietGAP.

Dự án vùng sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP được xây dựng tại đây từ năm 2011-2015 làm cơ sở trước khi mở rộng ra toàn tỉnh.

Tỉnh Lào Cai hiện có trên 4.000ha chè nguyên liệu, trong đó huyện Mường Khương có hơn 1.400ha, huyện Bảo Thắng có gần 2.000ha còn lại là của các địa phương khác như Bát Xát, Bảo Yên và thành phố Lào Cai…

Trong số 1.000 ha chè Mường Khương được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đợt này có 700ha chè giai đoạn kinh doanh và 300ha chè trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Tham gia dự án chè VietGAP có gần 2.000 hộ dân địa phương. Những hộ này trực tiếp được tập huấn về kỹ thuật, được cấp chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt và được cấp sổ nhật ký đồng ruộng.

Trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị chủ đầu tư đã xây 50 bể thu gom rác bảo vệ thực vật và 20 bảng nội quy, in nhiều tài liệu có liên quan nhằm góp phần làm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng của người trồng chè.

Chè VietGAP là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, việc phát triển các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng chè đặc biệt quan tâm.

Theo ông Bùi Văn Rạng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chè Thanh Bình, chè sản xuất theo chuẩn VietGAP đã làm năng suất chè tăng từ 5-10%, tương đương mức 2-2,5 tấn chè búp/ha/năm.

Giá bán nguyên liệu chè búp tươi tăng 500 đồng/kg, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật giảm 2-3 lần/năm. Có 100% hộ dân đăng ký chuyển từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dạng hóa học sang sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Thu nhập người trồng chè tăng 2,5-3 triệu đồng/năm.

Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chè Thanh Bình, dự án là cơ sở thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất, cho ra nhiều sản phẩm mới, giá trị sản phẩm tăng cao, riêng sản phẩm xuất khẩu tăng từ 0,1- 0,2 USD/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lào Cai, đây là dự án không chỉ mang tính chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn thể hiện tính gắn kết “bốn nhà” cao nhất trong sản xuất và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm từ trước đến nay.

Ngày 3/11, sau khi được Viện Môi trường Nông nghiệp trao Giấy chứng nhận chè đạt tiêu chuẩn VietGap, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chè Thanh Bình đã ký cam kết với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai duy trì vùng sản xuất chè VietGAP./.

vitas
vitashttps://vitas.org.vn
VIET NAM TEA BLOG - Trang tin tức về ngành chè Việt Nam được thành lập từ năm 2013 nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức về tình hình sản xuất, xuất khẩu, ngành nghề,...không chỉ riêng về cây chè mà còn những bài viết ngoài lề mà nhiều đọc giả quan tâm.
RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết phổ biến