Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủCây chèNguồn Gốc Cây Trà Xanh | Tác Dụng, Đặc Điểm, Phân Bố...

Nguồn Gốc Cây Trà Xanh | Tác Dụng, Đặc Điểm, Phân Bố & Kỹ Thuật Trồng

Từ lâu cây trà xanh được biết đến là một loại thảo dược sử dụng trong cuộc sống hằng ngày với nhiều công dụng khác nhau như thanh nhiệt, giải khát và đặc biệt nhất là dùng để chữa bệnh. Song không phải ai cũng biết và hiểu được hết các đặc điểm cũng như cách trồng và thành phần cây trà như thế nào. Để giúp bạn hiểu rõ về những vấn đề trên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ đến bạn những thông tin về liên quan đến cây trà để mọi người cùng tham khảo.

Những câu truyện thần thoại về nguồn gốc cây trà xanh

Sự thật về nguồn gốc của cây trà
Cùng Hiệp hội chè Việt Nam tìm hiểu về nguồn gốc của cây trà 

Khi nhắc đến nguồn gốc cây trà người ta thường nhắc đến những câu chuyện có vẻ thần thoại hơn là sự thật. Theo như những câu chuyện đó thì cây trà là do một người có tên là Thần Nông – Một trong những Tam Hoàng Ngũ Đế của văn hóa người Trung Hoa tìm thấy.

Người Hoa Bắc với những câu chuyện được lưu truyền như huyền thoại về ông với nhiều điểm nổi bật như thành thạo y khoa, nông nghiệp. Vào một ngày khi đang đun nước dưới cây trà, vài chiếc lá trà vô tình rơi vào ấm nước của ông, sau khi uống vài ngụm nước có lá trà ông cảm nhận được người ông như có một năng lượng kỳ diệu. Và kể từ đó ông xếp trà vào danh sách những loại dược liệu của mình.

Còn theo truyền thuyết Hoa Nam lưu truyền rằng: Sư Tổ của Thiền phái Thiếu Lâm Tự Trung Hoa lúc bấy giờ là Đức Đạt Ma,  khi tọa thiền lại vô tình ngủ quên, vì giận bản thân nên đã tự mình cắt mí mắt quăng xuống đất và chính nơi mí mắt ông rơi xuống đã mọc lên một thứ cây kỳ lạ mà khi hái lá của cây đó uống sẽ khiến tâm hồn tỉnh táo hẳn ra, người ta gọi đó là cây trà.

Lịch sử và nguồn gốc cây trà xanh- ở Việt Nam

Lịch sử phát triển của cây trà
Lịch sử phát triển của cây trà trải qua hàng ngàn năm và được lưu truyền mãi đến ngày hôm nay

Khác với những truyền thuyết được kể trước đó của người Trung Hoa, một số nhà khoa học khi tìm hiểu đã phát hiện nguồn gốc của giống cây trà xanh là Vân Nam (Trung Quốc – vùng biên giới sát với Việt Nam), các vùng Thượng Lào, Tây Bắc của Việt Nam và Bắc Thái Lan, đây là những vùng trà cổ khởi nguồn.

Ở thượng nguồn của dòng sông Mekong, có dòng sông Lancang (tên gọi ở Trung Quốc). Nơi đây đặc biệt bởi trong ngày tại một khu vực lại có đến 7 loại khí hậu khác nhau. Điều kiện thời tiết với lượng nắng và mưa tương đối lớn, biên độ nhiệt có sự chênh lệch cao, thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trà xanh. Gần Phổ Nhĩ, nơi có khoảng cách với Việt Nam trong khoảng 50km, có một vùng nổi bật tập trung đến 20 núi trà cổ. Đây là nơi những lá trà đầu tiên trên thế giới bắt nguồn.

Tại nước ta, trà cổ có giá trị cao được tìm thấy rất nhiều. Trà cổ thụ ở khu vực phía Bắc nổi tiếng phải kể đến như: trà Shan Tuyết Suối Giàng (Yên Bái), trà shan Lũng Phìn (Hà Giang), trà Tủa Chùa (Điện Biên), trà shan tuyết Tà Xùa (Sơn La), trà shan Pà Cò (Hòa Bình), trà Tô Múa (Sơn La)… Những cây trà cổ thụ này to lớn cao và thân rộng. Những lớp địa y trải qua lâu đời đã to bằng bàn tay và thân cây phủ đầy mốc.

Vào năm 1976, một người chuyên nghiên cứu chè trên thế giới có tên Djemukhatze trong 2 năm, bằng những khả năng tài ba vốn có trong nghiên cứu sinh hóa thực vật ông đã nghiên cứu về trà cổ thụ và tìm ra được những dấu vết về cây trà xanh và lá trà đã hóa thạch từ thời thời kỳ đồ đá ở khu vực Hùng Vương, Phú Thọ.

Tại khu vực tỉnh Yên Bái ông tìm được một vùng trà hoang có khoảng 40.000 cây, có 3 cây trà cổ thụ sống có tuổi đời cao. Cây lớn nhất cao tầm 9m, vòng thân của nó tương đương với vòng tay ôm của 3 người, còn với khu vực Cao Bắc Lạng ông đã tìm thấy những cây trà hoang cổ thụ chiều cao lên đến 18m. Chính vì những phát hiện này của ông đã cho rằng Việt Nam là một trong những nơi khởi nguồn của cây trà xanh.

Các vùng trồng cây trà ở Việt Nam

Nhắc đến những vùng trồng trà ở Việt Nam, có thể điểm qua một số nơi nổi tiếng như:

Vùng trồng trà ở Tây Bắc

Các vùng trồng cây trà ở tây bắc
Tây Bắc là một trong những vùng trồng cây trà lớn nhất ở nước ta

Tây Bắc là một địa danh không chỉ khiến con người ta say đắm bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và uy nguy. Mà nơi đây cũng là cái nôi của một loại cây đáng trân quý. Cây trà Tây Bắc, ấp ủ hương vị thiên nhiên núi rừng.

Khu vực các tỉnh Tây Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La luôn được biết đến là vùng đất với những giống trà ngon, đặc trưng. Nổi tiếng nhất mà chúng ta có thể kể đến là trà Tà Xùa, Lũng Phìn, Hà Giang… Ở vùng này, có hai giống trà được xem là gắn liền với nhiều người dân và vô cùng nổi tiếng là trà shan tuyết và trà cổ thụ cao sơn (các giống trà này có đặc điểm là được bao phủ bởi lớp lông tơ trắng mịn như tuyết vào toàn bộ búp non). Trà ở đây mang đậm hương vị của núi rừng, đắng chát có, dịu ngọt cũng có khiến con người ta quyến luyến chẳng thể nào rời xa.

Vùng trồng trà ở Tân Cương Thái Nguyên

Vùng trà Tân Cương Thái Nguyên
Vùng trà Tân Cương Thái Nguyên là địa điểm trồng trà rất nổi tiếng ở nước ta

Vùng Tân Cương, Thái Nguyên được biết đến là vùng chuyên trồng cây trà xanh và có diện tích lớn nhất phía Bắc với đặc điểm của giống trà là sợi trà cong cong như hình chiếc móc câu, trà lá nhỏ có vị rất đậm đà, chát đượm.

Vùng đất nơi đây với những đồi chè xanh mướt, trải dài bao la và bất tận. Những đồi chè vươn lên xanh tốt bởi thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng vô cùng thuận lợi. Trải qua hàng trăm năm, vùng đất này đã đánh dấu vị thế của mình trên bản đồ trà. Khu vực được xem là đặc trưng trong các vùng trồng trà ở vùng Thái Nguyên là Tân Cương với đặc trưng là loại trà nõn tôm. Địa thế chủ yếu là đồi núi rất phù hợp để canh tác và phát triển cây trà, cho ra được những cây trà có mùi trà thơm ngọt, rất dễ chịu.

Vùng trồng trà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng

Vùng trà Bảo Lộc, Lâm Đồng
Vùng trà Bảo Lộc, Lâm Đồng nổi danh với sản phẩm chè Ô long thơm ngon và mát dịu

Ngược dòng lịch sử ta sẽ thấy, do nhu cầu khai thác đất đai và nguồn nhân công bản xứ khi xưa của người Pháp, cây trà đã được đưa xuống vùng Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng ngày nay vào những năm 1930. Trên mảnh đất màu mỡ ấy cho đến ngày nay, trà là cây công nghiệp nằm trong top 3 cây công nghiệp phát triển mạnh nhất ở khu vực Bảo Lộc.

Được mệnh danh là “ kinh đô trà” Bảo Lộc mang một khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Trà Bảo Lộc được xem là một thương hiệu trà có tiếng trong và ngoài nước. Các dòng trà được biết đến và làm nên tên tuổi nơi đây chính là dòng trà ướp hương và trà Ô long. Cùng với những hương vị đặc trưng của núi rừng nơi đây như mứt, rượu vang, cà phê, dâu tây, trà cũng mang trong mình một hương vị thơm ngon, tôn vinh vùng cao đất đỏ này.

Thành phần hóa học có trong cây trà xanh

Thành phần hóa học có trong cây trà xanh
Trong cây trà có rất nhiều thành phần hoá học, cụ thể sẽ được Hiệp hội chè Việt Nam liệt kê ngay dưới đây!
  • Cafein là thành phần có trong lá trà và không bị thay đổi sau chế biến. Với mỗi vị trí trong cây trà tươi thì hàm lượng caffein sẽ có sự khác nhau. Cụ thể nõn tôm + lá 1 có 4 – 7% caffein, lá thứ 2 có 4 – 5% caffein, lá thứ 3 có 3 – 7% caffein, lá thứ 4 có 3% caffein, phần cuống 1,9% caffein. Lá trà bánh tẻ có 2% caffein. Hàm lượng caffein có trong trà ở dạng caffein tanat cho nên tác dụng tương đối chậm hơn so với caffein trong cà phê).
  • Tiếp theo là L-theanin. Đây là một loại axít amin tự do, thành phần này không có trong protein. Hàm lượng chất này trong trà búp khô chỉ chiếm  có 1%. Lá trà bánh tẻ được trồng dưới tán cây to trong vườn thì sẽ có hàm lượng L-theanin là 2% (tính theo tỉ lệ trong lá tươi là 0,2%). Thành phần L-theanin sẽ được tổng hợp từ rễ đến lá, khi tiếp xúc với cường độ lớn của ánh nắng mặt trời sẽ thành polyphenol, chính vì vậy mà so với trà đồi thì trà vườn thường nhiều L-theanin và ít polyphenol hơn. 
  • Tanin là thành phần có trong trà xanh, thành phần này chiếm  27 – 34%. Hàm lượng tanin có trong trà càng cao thì chất lượng của trà càng tốt. Tanin là hợp chất polyphenol gồm có 7 loại catechin; trong đó Epigalocatechingalat (EGCG) là catechin mang vị đắng đặc biệt. Phần búp trà và lá 1 có hàm lượng tanin cao nhưng catechin dạng EGCG lại thấp nên có vị chát dịu và ít đắng. Trà trồng trên đất có thành phần molipden sẽ có vị chát ngọt vì hàm lượng EGCG thấp.
  • Flavonol là thành phần có trong trà xanh và bao gồm: kaempferol, quercetin, myricetin.
  • Tinh dầucác axit đi cùng tinh dầu cũng là thành phần có trà trà xanh và bao gồm: Acetic, butyric, cafeic, caproic, palmitic, propionic, valeric…
  • Trong trà xanh còn có các vitamin: tiền sinh tố A, B2, B3, B5, C (C chủ yếu trong trà tươi, trà búp khô thì vitamin C chỉ còn vết).

Tác động của những chất có trong trà xanh lên cơ thể con người

Những dược tính của cây trà xanh
Những dược tính của cây trà xanh mà chúng tôi liệt kê dưới đây sẽ khiến cho bạn bất ngờ!
  • Chất tanin có trong lá trà xanh khi được tiếp xúc với lớp niêm mạc đường ruột sẽ có tác dụng làm giảm sự hấp thu của canxi và chất sắt, từ đó có công dụng giúp cầm tiêu chảy.
  • Nhờ trong thành phần của trà xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa như: quercetin, flavonoid, vitamin C, carotene, EGCG mà các thành phần này có tác dụng cải thiện được hệ miễn dịch, tiêu diệt được gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại. Từ đó hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây ung thư.
  • Việc duy trì sử dụng nước trà xanh thường xuyên hằng ngày rất tốt cho sức khỏe và có thể ngăn ngừa được một số bệnh lý về tim mạch, giảm được lượng cholesterol trong cơ thể, giúp tăng cường và bảo vệ hệ thống tim mạch.
  • Thành phần Catechin và các chất chống oxy hóa có trong lá trà xanh có tác dụng hữu hiệu trong việc kích thích hoạt động của não bộ và chống lại được các hoạt động của gốc tự do, giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về thoái hóa thần kinh như Parkinson và Alzheimer.
  • Thường xuyên sử dụng lá trà xanh sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng hormone angiotensin. Đây là một loại hormone gây ra các bệnh về tăng huyết áp và co mạch máu.
  • Thành phần Polysaccharides và polyphenol có chức năng giảm đường huyết và cải thiện sự được sự  nhạy cảm với insulin, giúp cơ thể kiểm soát được căn bệnh tiểu đường và các biến chứng.
  • Tinh dầu trong lá trà xanh có tác dụng hiệu quả trong việc hạn chế hôi miệng cũng như giúp loại bỏ các vi khuẩn gây sâu răng. Bên cạnh đó, chất florua còn có công dụng tối ưu trong việc duy trì sự chắc khỏe và trắng sáng của răng, giảm thiểu tối đa nguy cơ sâu răng.

Những tác dụng của trà xanh

Tác dụng của cây trà xanh đối với sức khỏe
Cây trà xanh có rất nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe con người. Cùng theo dõi ngay dưới đây nhé!
    • Làm giảm được số lượng thành phần vi khuẩn kháng thuốc.
    • Hạn chế nguy cơ ung thư và tim mạch
    • Ức chế sự lão hóa.
    • Giúp giảm cân nặng.
    • Hạ Cholesterol.
    • Tăng cường trí nhớ.
    • Thanh lọc giúp gan khoẻ mạnh.
    • Ổn định huyết áp.
    • Hạn chế nguy cơ bệnh tiểu đường.
    • Hỗ trợ miễn dịch.
    • Ngăn ngừa bệnh cảm cúm.
    • Tránh các bệnh hen suyễn.
    • Hạn chế sâu răng.

Ngoài những công dụng nêu trên, trà xanh vẫn còn rất nhiều công dụng khác. Chính vì đặc điểm lành tính của loại dược liệu này mà trà xanh là liệu thuốc chữa được rất nhiều bệnh thường gặp trong đời sống. Vì vậy mà ngày nay nhiều người cũng muốn trong vườn thuốc gia đình có được loại cây này, nhưng lại không biết loại cây này được trồng như thế nào. Trong phần tiếp theo dưới đây sẽ giúp bạn có thêm thông tin tham khảo về kỹ thuật, cách trồng cũng như chăm sóc cây trà xanh tại Việt Nam.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trà xanh tại Việt Nam

Giai đoạn chuẩn bị

Chọn giống cây trà xanh
Bước này rất quan trọng để đặt nền tảng cho cây trà xanh chất lượng và phát triển không bệnh tật

Chọn giống

    • Tùy vào từng dạng địa hình và tính chất đất mà có thể chọn các loại cây giống thích hợp, tất nhiên nếu có điều kiện nên chọn loại giống có ưu điểm mạnh, phù hợp với các yếu tố điều kiện để cho ra trà có chất lượng cao.
    • Giống cây trà xanh phải được thực hiện giâm cành trong túi bầu đất để nhân giống vô tính.
    • Nên tiến hành trồng trọt canh tác theo kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hạn chế phân thuốc hóa học.

Chọn đất trồng

    • Đất được chọn để trồng cây trà xanh phải đáp ứng được các điều kiện như: tầng canh tác đất trên 80cm, tơi xốp; về nguồn nước phải đảm bảo có mạch nước ngầm ở dưới mặt đất 100cm; độ dốc địa hình trồng bình quân dưới 25 độ; độ pH dao động trong khoảng từ 4- 6.

 Làm đất và đào hố trồng

    • Trước khi thực hiện việc trồng cây trà xuống, đất trồng phải được tiến hành cày vùi phân xanh trước đó ít nhất 1 tháng. Khi trồng cây trà xuống thì cần đào hố hay cày rạch sâu 20 – 25 cm theo rãnh hàng đã được đào để tiện cho việc trồng bầu cây.

Bón lót trước khi trồng

    • Sau khi đã đào xong phần rãnh hàng, sẽ tiến hành sử dụng phân hữu cơ để bón lót theo liều lượng nhất định và trộn phân vào với đất trồng.

Thời vụ và mật độ trồng cây trà

Thời vụ và mật độ trồng cây trà
Thời vụ và mật độ trồng cây trà phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên của từng vùng miền

Đối với khu vực phía Bắc thời vụ giâm cành là vào tháng  1-2 và tháng 7-8; còn với khu vực phía Nam sẽ vào các tháng 2-3 và tháng 5-7.

Đối với bầu cây ở khu vực phía Bắc là vào tháng 1-3 và tháng 8-9; với phía Nam vào tháng 2-4 và tháng 6-7 khi đất đủ ẩm.

Về mật độ: Những nơi dốc < 15 độ: Mỗi hàng cách nhau 1,4 – 1,5m, mỗi cây cách nhau 0,4 – 0,5m.  Với nơi dốc > 15 độ: mỗi hàng cách nhau 1,2 – 1,3m, mỗi cây cách nhau 0,3 – 0,4m.

Kỹ thuật trồng cây trà xanh

Kỹ Thuật Trồng Cây Chè xanh
Tham khảo kỹ thuật trồng cây trà xanh đúng cách ngay dưới đây nhé

Khi tiến hành trồng cây trà xanh cần bỏ đi phần túi bầu. Đặt bầu đất cây trà vào hố hay rạch đã đào trước đó, lấp đất và nén đất đều xung quanh bầu, lấp phủ lớp đất tơi lên trên sao cho lớp đất cách vết cắt khoảng 1 – 2 cm. Khi trồng cây cần đặt mầm cây xuôi theo chiều gió chính. Trồng xong phải phủ cỏ, rác lên 2 bên hàng cây hay gốc cây với độ dày của lớp phủ khoảng 8 – 10 cm, rộng 20 – 30 cm. Lưu ý phần cỏ, rác được dùng để phủ phải là loại không tái sinh được.

Kỹ thuật trong chăm sóc cây trà xanh và bón phân cho cây trà

Kỹ thuật trong chăm sóc cây chè xanh và bón phân cho cây chè
Kỹ thuật trong chăm sóc cây trà xanh và bón phân cho cây chè để đạt hiệu quả cao nhất khi trồng

Kỹ thuật chăm sóc định kỳ:

Dùng cỏ, rác, phân xanh phủ lên gốc cây sẽ hạn chế được sự xuất hiện của cỏ dại. Cần xới phá váng đất cho cây trà sau mưa. Định kỳ vụ xuân, thu, tiến hành làm cỏ, xới toàn bộ khu vực trồng một lần/vụ; trong một năm cần xới gốc 2-3 lần.

Cần có biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây chè như thông quan canh tác (diệt cỏ, côn trùng, diệt mầm bệnh) và biện pháp sinh học (trồng cây lấy bóng mát và đảm bảo giữ được độ ẩm trên nương chè) để giúp cây trà xanh không gặp các chứng bệnh về cháy lá, vàng lá và khô lá.

Kỹ thuật Cắt tỉa, tạo hình:

Đốn tạo hình: Nên thực hiện việc cắt tạo hình 2 lần/vụ.

Khi trồng 2 năm nên thực hiện việc cắt tạo hình lần 1, đốn thân chính với khoảng cách là cách mặt đất khoảng 12 – 15 cm, nên đốn cành khoảng cách với mặt đất 30 – 35 cm.

Sau 3 năm trồng thì tiến hành cắt tạo hình lần 2, đốn cành chính cách mặt đất khoảng 30 –35 cm, đốn cành tán cách mặt đất 40 –45 cm.

Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Trà:

Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Trà:
Kỹ thuật Bón phân Cho Cây Trà sinh trưởng và phát triển tốt

Trong khâu chăm sóc cây trà cần có giai đoạn bón phân để giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Hàng năm nên tiến hành bón NPK cho công đoạn bón phân thúc theo tỷ lệ 3:1:1 với lượng phân 35N cho 1 tấn sản phẩm + 75kg MgSO4/ha. Số lần bón thúc là 4 lần trong năm.

    • Bón vào tháng 2: Bón 30% NPK + 60% MgSO4
    • Bón vào tháng 5: Bón 30% NPK + 40% MgSO4
    • Bón vào tháng 7: : Bón 25% NPK
    • Bón vào tháng 9: : Bón 15% NPK

Xem thêm: Trồng Cây Trà Xanh Tại Nhà & Kỹ Thuật Trồng Cây Chè Xanh Công Nghiệp

Vì sao trà là một trong những thức uống được ưa chuộng nhất Thế Giới?

Vì sao trà là một trong những thức uống được ưa chuộng nhất Thế Giới?
Hãy cùng tìm hiểu để có câu trả lời về lý do trà trở thành thức uống phổ biến trên thế giới nhé!

Trà là thức uống có thể hiện diện ở bất cứ đâu, bất kể là nền văn hóa hay tôn giáo nào. Với mỗi một quốc gia, tôn giáo hay dân tộc nào, việc thưởng thức trà luôn mang một ý nghĩa riêng đối với họ. Nếu như với người Tây Tạng, việc uống trà bơ là để giữ ấm cho cơ thể, tránh bị khô môi nứt nẻ môi thì với người Nhật văn hóa trà đạo đã trở thành bản sắc của quốc gia này. Anh quốc xứ sở của trà, vị trí của loại thức uống này càng trở nên độc tôn và chiếm ưu thế hơn hẳn. Qua đó có thể thấy, trà phổ biến như thế nào trong đời sống.

Đặc biệt, thường xuyên uống trà giúp cơ thể phòng ngừa được một số bệnh hiệu quả vì trong trà chứ những thành phần và dược tính mang khuynh hướng có lợi cho cơ thể.

Không chỉ thế, trà còn là sản phẩm thường thấy cho những buổi gặp gỡ, giao lưu hay cho cả những buổi hội họp,… Có thể nói uống trà như một thói quen hằng ngày sẽ tác động tích cực đến bạn, giữ cho bạn khỏe mạnh hạnh phúc, là phương tiện kết nối giữa con người với con người lại với nhau. Đó chính là lý do mà hầu hết phần lớn người trên thế giới ưa chuộng và thường sử dụng thứ thức uống này.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết liên quan đến Cây Trà Xanh của Hiệp hội chè Việt Nam của chúng tôi!

Xem thêm:

Hoa Trà
Hoa Tràhttps://about.me/hoatra
Cô gái đến từ vùng trà Tân Cương Thái Nguyên, với ước mơ mang hương vị quê hương đến với những người yêu trà trên khắp Thế Giới.
RELATED ARTICLES

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular

Recent Comments