Thứ sáu, Tháng mười 4, 2024
Trang chủviblogHỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ Ở PHÚ THỌ

HỖ TRỢ NÔNG DÂN PHÁT TRIỂN CÂY CHÈ Ở PHÚ THỌ

“Năng suất vùng chè của người dân còn thấp, việc lạm dụng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật còn khá phổ biến, sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; chưa xây dựng thương hiệu, chưa xuất khẩu được chè thành phẩm; việc mở rộng diện tích chè áp dụng sản xuất an toàn còn chậm đặc biệt đối với diện tích do hộ nông dân quản lý…”. Đây là thực trạng đang diễn ra ở hầu hết các vùng chè trong tỉnh Phú Thọ.

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp trong sản xuất chè theo hướng phát triển bền vững sâu chuỗi giá trị từ sản xuất – thu mua – chế biến – tiêu thụ sản phẩm để từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường quốc tế.

Theo đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các ngành liên quan đẩy mạnh phổ biến các quy định của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến chè trên địa bàn để các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, chế biến chè biết và thực hiện theo đúng quy định. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến chè trên địa bàn. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu ổn định gắn với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác dịch vụ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho chè. Mặt khác, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu với các hợp tác xã, tổ hợp tác và các hộ dân trồng chè.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tăng cường tập huấn, hướng dẫn áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất, bón phân cân đối NPK, lựa chọn trồng cây che bóng phù hợp; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu rà soát, xác định cơ cấu diện tích các giống chè hiện có trên địa bàn; diện tích chè cằn xấu, giống cũ cần trồng lại; diện tích có thể trồng mới chè chất lượng cao làm cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển chè giai đoạn 2016 – 2020…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Trần Tú Anh cho biết, tỉnh đã quy hoạch các vùng chè, tập trung chủ yếu ở các huyện trọng điểm. Đồng thời, quyết định dành ngân sách trên 26,3 tỷ đồng hỗ trợ nông dân mua phân bón và chuyển đổi sang trồng các giống chè mới và giúp các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm.

Theo đó, có 70 – 80% diện tích trồng bằng giống mới đủ điều kiện để sản xuất chè an toàn, có 2.000 ha được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo quy trình an toàn; xây dựng 3-5 doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè an toàn có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thương hiệu sản phẩm chè Phú Thọ. Còn lại 50% số cơ sở khác áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến, tiến tới hình thành hệ thống kiểm soát, giám sát chất lượng toàn hệ thống chè của tỉnh. Từ định hướng này, tỉnh tập trung đầu tư thâm canh, cải tạo để nâng năng suất lên 150 – 200 tạ/ha, xây dựng quy chế quản lý gắn vùng nguyên liệu với cơ sở chế biến; phát triển vùng chè đặc sản (hiện đã có khoảng 200 ha); tập trung tăng cường quản lý chất lượng và khuyến khích đầu tư chế biến chè chất lượng cao, chè đặc sản.

Tại hội nghị phát triển chè bền vững do Hiệp hội Chè Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Phú Thọ vừa qua, nhiều đại diện tỉnh Phú Thọ cho rằng, ngành cần rà soát quy hoạch đến năm 2020 để ổn định diện tích và sản xuất chè áp dụng công nghệ cao, tránh để nông dân chuyển đổi cây trồng tự phát. Bên cạnh đó, ngành cũng cần đầu tư đổi mới công nghệ và sửa chữa lớn các công trình cần thiết, định hướng sâu hơn mối quan hệ khép kín giữa giống – công nghệ chế biến – thị trường tiêu thụ, bảo đảm tính đồng bộ trong sản xuất… Ngoài ra, ngành cũng cần đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến với công suất vừa và nhỏ tại vùng nguyên liệu, chú trọng công nghệ tưới chè, mở rộng cơ giới hóa trong thu hoạch để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo bà Bùi Thị Mão, Giám đốc Công ty TNHH chè Hoài Trung, muốn phát triển được vùng chè tập trung thì nhất thiết phải thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, sản xuất đến chế biến, thị trường, nhân lực và các chính sách hợp lý theo cùng.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 16,3 nghìn ha chè; trong đó diện tích chè kinh doanh gần 15.000 ha; năng suất bình quân đạt 10,3 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 152.000 tấn. Có 75 cơ sở chế biến có hợp đồng với vùng nguyên liệu cũng như tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa vùng nguyên liệu – cơ sở chế biến – tiêu thụ…/.

Nguồn:http://dangcongsan.vn/

vitas
vitashttps://vitas.org.vn
VIET NAM TEA BLOG - Trang tin tức về ngành chè Việt Nam được thành lập từ năm 2013 nhằm cung cấp những thông tin, kiến thức về tình hình sản xuất, xuất khẩu, ngành nghề,...không chỉ riêng về cây chè mà còn những bài viết ngoài lề mà nhiều đọc giả quan tâm.
RELATED ARTICLES

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài viết phổ biến