Cây chè là một trong những cây công nghiệp lâu năm mang đến giá trị kinh tế cao và lâu dài cho Việt Nam. Hiện nay, chè đang được nhiều người lựa chọn để làm thức uống, nên chúng được trồng ở nhiều nơi, đặc biệt phát triển mạnh ở vùng trung du và miền núi. Tùy vào đặc điểm sinh thái cũng như vùng miền trồng mà cây chè sẽ có những điểm đặc trưng khác nhau. Để biết thêm nhiều điều thú vị về đặc điểm cây chè, mời bạn cùng tìm hiểu với Hiệp hội chè Việt Nam qua bài viết sau đây.
Đặc điểm thực vật của cây chè
Đặc điểm cây chè về thân và cành
Xét về đặc điểm thân cây chè: Người ta thường dựa vào đặc điểm sinh trưởng của thân để chia thành các dạng thân gỗ, thân nữa gỗ và thân bụi.
– Dạng thân gỗ: Cao, to, đường kính to, thân chính cao rõ rệt, vị trí phân cành cao. Để tự nhiên thì cây có thể cao tới 20m. Đại diện cho dạng thân chè này có chè Shan, chè Assamica.
– Dạng thân nữa gỗ: Cây có thể cao từ 6 – 10 m nếu để mọc tự nhiên, thân trung gian. Dạng cây này có vị trí phân cành tương đối cao và thường cách 20 – 30 cm so với cổ rễ.
– Dạng thân bụi: Thường có tán cây rộng, thấp, nhiều cành và không có thân chính rõ rệt. Vị trí phân cành thấp và các cấp gần nhau bằng nhau.
Đặc điểm cây chè xét về cành:
Cành chè được hình thành từ mầm dinh dưỡng, có nhiều lóng dài từ 1 – 10 cm, thường có một mầm nách và một lá. Thông thường, cành chè phân cành liên tục và không rõ rệt về cấp cành chè. Khi lên càng cao thì khả năng sinh dưỡng cành kém, cho kích thước nhỏ và màu nhạt hơn.
Đặc điểm về mầm chè xanh
Mầm sinh thực và mầm dinh dưỡng là 2 loại mầm chính của cây chè tạo ra búp, lá, cành, hoa và quả. Cụ thể:
-
- Mầm dinh dưỡng giúp hình thành và phát triển cho búp, lá và cành chè từ các loại mầm đỉnh, mầm nách, mầm ngủ gọi chung là mầm cố định và các loại mầm bất định khác.
- Nụ, hoa và quả được hình thành từ các mầm sinh thực. Thông thường, mầm này ở nách lá thứ 3 trở xuống, có khả năng sinh trưởng tốt hơn. Mầm sinh thực thường nằm hai bên của mầm nách và có từ 2 hoặc nhiều mầm sinh thực hơn.
Đặc điểm về lá chè
Mỗi đốt của cành chè thường có một lá và dài khoảng 3 – 15 cm. Dựa điều kiện tự nhiên lá có độ đậm, nhạt màu sắc và kích thước khác nhau, thường lá có màu nhạt dần khi lên cao. Lá chè có gân chính rõ từ cuốn lá ra, nhưng đến rìa lá thì không còn. Đặc điểm khác biệt dễ nhìn thấy của lá chè là hình răng cưa trên lá ở phía rìa.
Trên cành chè thường xuất hiện các kiểu lá sau: lá vẩy ốc – màu nâu, cứng và nhỏ; lá mẹ – nuôi dưỡng chồi non; lá cá – không phát triển hoàn toàn và là lá thật đầu tiên; lá thật – phát triển hoàn toàn, bình thường; tôm chè – bao bọc nhiều lá non và ở trên cùng cành.
Đặc điểm về búp chè
Búp chè là bộ phận trên cùng của cành chè, có màu xanh nhạt và còn non. Từ các mầm dinh dưỡng búp có thể hình thành và phát triển tốt hơn dưới tác động của nhiều yếu tố. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của búp có thể là: kỹ thuật chăm sóc, bón phân, kỹ thuật canh tác đốn, hái, yếu tố ngoại cảnh. Búp chè biết đến với hai loại: búp mù xòe chỉ có lá non không có tôm chè; búp bình thường có đầy đủ lá non và tôm chè.
Đặc điểm về rễ cây chè
Rễ cây chè gồm: rễ hấp thu, rễ trụ, rễ bên. Rễ cây chè mang nhiều đặc điểm tương ứng như:
-
- Rễ phát triển nhanh khi mới nảy mầm, sau đó tầm 3 tháng – 5 tháng các rễ bên phát triển và rễ trụ sẽ phát triển chậm lại. Rễ cây sẽ phát triển chậm lại khi thân lá bước vào giai đoạn phát triển mạnh.
- Rễ hấp thu có thể nhiều hoặc ít tùy vào mạch nước và đất. Đất từ 10 – 40 cm là khu vực để phát triển rễ hấp thu
- Hạt giống, độ tuổi của cây, điều kiện ngoại cảnh và kỹ thuật canh tác sẽ quyết định sự phân bố của rễ phụ. Rễ cây cần nhiều chất dinh dưỡng như đạm, kali,…
Đặc điểm về hoa & quả cây chè
Hoa được hình thành từng chùm ở nách lá, từ những mầm sinh thực. Thông thường, vào tháng 6 sẽ xuất hiện nụ hoa và đến tháng 11 – 12 sẽ nở rộ. Hoa trà thường có màu trắng, là loại hoa lưỡng tính có khoảng 200 – 400 nhị đực.
Quả cây chè có 3 ngăn, có 2 – 3 – 4 hạt. Quả chè thuộc loại quả nang và có màu xanh khi sống chuyển sang nâu khi chín. Khi chín thì các hạt cũng dễ bị bắn ra ngoài theo vết nứt của quả.
Đặc điểm về hạt của cây chè
Khi tách vỏ quả chè ra, bạn có thể thấy hạt chè có vỏ cứng và dày. Hạt chè thường chiếm khoảng ¾ khối lượng tử diệp, có >30% hàm lượng dầu và chất béo. Bạn nên thu hoạch sớm vì hạt chè thường chính hình thái sau chín sinh lý.
Đặc điểm sinh thái của cây chè
Về thời vụ
Đặc điểm cây chè với thời vụ được chia làm 4, mỗi mùa vụ sẽ có cách thu hoạch hiệu quả, giúp cây chè luôn phát triển và đảm bảo năng suất. Cụ thể: Vào vụ Xuân (tháng 3 – 4): bạn nên chừa 2 lá và lá cá; vụ Hè Thu ( tháng 5 – 10): chừa 1 lá và lá cá; vụ Thu Đông (tháng 11 – 12): chừa lá cá vào tháng 11 và hái lá cá vào tháng 12. Ngoài ra, bạn có thể hái sát lá cá nếu muốn tạo tán tù những búp cao hơn mặt tán.
Về chu kỳ phát triển
Đối với chu kỳ phát triển của cây chè sẽ dài tầm khoảng 3 -4 năm và qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn hình thành, cây non phát triển. Giai đoạn 2 là giai đoạn cây phát triển và lớn. Giai đoạn 3 là giai đoạn cây trưởng thành và già cỗi. Trong khoảng thời gian 20 – 30 năm là khoảng thời gian cây cho năng suất tốt. Chính vì vậy, bạn cần nghiên cứu, tính toán kỹ mọi yếu tố tác động đến sự phát triển của cây để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đến giai đoạn chè già thì người nông dân sẽ tạo ra những tán lá mới, kéo dài tuổi thọ lên 10 năm.
Về các yếu tố bên ngoài
Về ánh sáng: Cây thường ưa sáng khi trường thành. Ánh sáng giúp cây quang hợp tốt, đem lại năng suất cao. Nếu cây phải ở trong bóng râm, không đủ ánh sáng sẽ khiến lá đậm hơn, lóng dài, chồi non lâu và cành lá bị thưa. Thông thường, ở vùng đồi núi cao thích hợp cho việc trồng chè vì ở đó có biên độ ngày và đêm cao, có sương mù và khí hậu thuận lợi.
Về nhiệt độ: Cây chè ưa nhiệt độ từ 22 – 28 độ C để phát triển tốt. Dưới 18 độ C thì búp non phát triển chậm, không đem lại năng suất cao. Nếu nhiệt độ cao hơn thì lá sẽ dễ bị cháy và ảnh hưởng đến sự phát triển của cây chè.
Về dinh dưỡng: Những chất dinh dưỡng như: đạm, kali, lân, những chất trung và vi lượng khác rất cần thiết cho cây. Cây chè sẽ phát triển tốt và đạt năng suất cao nếu bạn bón các chất dinh dưỡng này vừa đủ và hợp lý.
Về nước: Cây rất cần nước để có sức sống và phát triển. Lượng nước có lợi cho cây chè phát triển khoảng 1500 – 2200 mm.
Xem thêm: Trồng Cây Trà Xanh Tại Nhà & Kỹ Thuật Trồng Cây Chè Xanh Công Nghiệp
Các đặc điểm về vùng miền trồng chè
Đặc điểm vùng chè vùng Tây Bắc
Tây Bắc có điều kiện khí hậu gió mùa, mùa đông ẩm, dao động nhiệt độ ngày đêm cao, có thể có sương muối. Lượng mưa ở đây thường ít hơn các vùng khác. Khả năng sinh trưởng và đạt năng suất của chè thấp từ tháng 11 đến tháng 3, vì thời điểm này thường bị khô hạn kéo dài và nhiệt độ thấp. Ngoài ra, ở Tây Bắc có đất đỏ nâu, đất đỏ vàng, ít dốc và tầng đất thì dày thích hợp trồng chè. Vùng chè Tây Bắc gắn với 2 địa danh có tiếng về trồng chè là Sơn La và Lai Châu.
Đặc điểm vùng chè Việt Bắc – Hoàng Liên Sơn
Đây là vùng núi có địa hình phức tạp, khí hậu mùa đông ít lạnh hơn Đông Bắc, quanh năm có khí hậu ẩm ướt. Đặc điểm cây chè ở đây sinh trưởng tốt vào mùa đông ở khu vực này vì có mưa phùn vào nửa cuối mùa đông. Đồng thời, điều kiện khí hậu ở đây cũng ít nắng, độ ẩm cao nhất cả nước rất có lợi cho cây chè. Vùng này có nhiều chè rừng dân tộc và chè công nghiệp đạt chất lượng.
Đặc điểm vùng chè Trung Du Bắc Bộ
Trung du Bắc Bộ nằm giữa miền núi và đồng bằng Bắc Bộ, có khí hậu chuyển tiếp giữa 2 vùng này, nên bị biến động mạnh, ẩm ướt, nhiều mưa vào mùa hè và nửa cuối mùa đông. Biên độ nhiệt ngày đêm cao thích hợp trồng cây chè. Ngoài ra, ở đây có nhiều đất feralit, phân bố khắp nơi. Giữa các tỉnh có sự chênh lệch về năng suất và sản lượng chè, bình quân 3 – 4 tấn búp/ ha.
Đặc điểm vùng chè Bắc Trung Bộ
So với Bắc Bộ thì Bắc Trung Bộ có khí hậu lạnh hơn và ẩm ướt, có sương muối xuất hiện. Lượng mưa cực tiểu ở đây khoảng 30 – 40 mm và cực đại khoảng 40 – 50% lượng mưa cả năm vào tháng 9. Khí hậu nóng và ẩm thấp nhất sẽ rơi vào tháng 7. Ở đây có 3 loại đất chính là đất sa thạch, phù sa cổ và đất vàng đỏ. Bắc Trung Bộ là vùng đất lâu đời trồng chè tươi với đặc điểm cây chè chất lượng và có nhiều nhà máy chế biến chè xanh.
Đặc điểm vùng chè Tây Nguyên
Tây Nguyên là khu vực có biên độ nhiệt độ ngày và đêm dao động mạnh khoảng 10 – 11 độ C. Từ tháng 11 – 3 lượng mưa chiếm khoảng 7 – 8 %, vào mùa hạ thì chiếm 90% lượng mưa cả năm. Độ ẩm thay đổi theo từng mùa thấp nhất 70% và cao nhất 85%. Đất đỏ vàng, đất bazan và nâu đỏ ở Tây Nguyên thích hợp trồng cây chè. Trong khu vực này thì Lâm Đồng là nơi có nhiều chè nhất nước.
Đặc điểm vùng chè duyên hải miền Trung
Ở vùng này thì chè phân bố rải rác ở các tỉnh vì khí hậu chia thành 2 tiểu vùng. Đối với vùng trung Trung Bộ sẽ không thích hợp trồng chè vì khí hậu ảnh hưởng đến khả năng lên men của chè và sự phát triển của cây. Năng suất chè ở duyên hải miền Trung bị ảnh hưởng nhiều và không cho năng suất tốt vì đất đai ở đây thường thấp, không đảm bảo độ cao hợp lý và kém dinh dưỡng cho cây chè.
Đặc điểm vùng chè cánh cung Đông Bắc
Mùa đông ở đây rất lạnh, có sương muối nhiều nhất cả nước, biên độ nhiệt của năm khoảng 13 – 14 độ C, có nơi thấp nên nhiệt độ dưới 0 độ C. Ngoài ra, đây cũng là vùng có lượng mưa thấp, độ ẩm thì tương đối khoảng 81 – 83%. Đất ở vùng Đông Bắc thường xảy ra tình trạng xói mòn và không có nhiều dinh dưỡng. Điều kiện tự nhiên ở đây tốt, với biên độ nhiệt độ ngày đêm rõ rệt, sương mù nhiều và nhiệt độ thấp nên đặc điểm cây chè ở đây đạt chất lượng khá tốt.
Kết luận
Như vậy, trong phạm vi bài viết này chúng tôi đã có những chia sẻ về đặc điểm cây chè. Chúng tôi mong rằng bài viết này sẽ đem đến nhiều điều thú vị và bổ ích cho bạn. Đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Hiệp hội chè Việt Nam để cập nhật thêm nhiều thông tin hay về cây chè.
Xem thêm: